Cùng một loại nguyên liệu trà, người ta có thể chế biến thành năm loại chính sau đây:
Bạch trà (白 茶): là loại thuần chất nhất. Để chế biến Bạch trà, những đọt Trà nhỏ và non nhất được hái, hấp ngay lập tức để phòng chống sự lên men, rồi sấy khô. Người ta chỉ hái những đọt cực non của Trà vào mùa Xuân, khi chúng còn được bao bọc bởi những lông mịn màu trắng. Khi pha, nước của bạch trà có màu trắng. Chính vì vậy mà Trà loại này có tên Bạch trà. Đây là loại Trà ít đòi hỏi chế biến nhất. Căn cứ theo các nghiên cứu khoa học gần đây, Bạch trà chứa đựng nhiều antioxidant chống ung thư nhiều hơn các loại trà khác. Lục trà (绿 茶): là Trà xanh được chế biến từ những lá Trà non, được hấp, đảo đều bằng tay hoặc bằng máy, rồi sấy khô. Nước có màu xanh lục nhạt. Đây là màu nguyên thủy của lá Trà không ủ.
Ô-long trà (乌 龍 茶): chế biến từ những lá non, phơi nắng trên những tấm phên bằng tre, vò nát và đựng trong các rổ tre. Mục đích của sự vò nát là để làm hư hại những mạch dẫn nhựa và cạnh lá, tạo ra màu đỏ. Sau đó, lá Trà được ủ ngắn hạn trong vài tiếng đồng hồ, và sao liền tay trên các chảo nóng trong một tuần nhang và sấy khô.
Hồng trà (紅 茶): còn gọi là Hắc trà được chế biến tương tự với phương pháp kể trên, ngoại trừ thời gian ủ lâu hơn. Chính sự ủ làm trà biến màu từ xanh lục ra đen. Sau khi sấy khô, trà được pha với các loại trà khác. Đối với quan niệm của người Trung Hoa, hắc trà không được chuộng vì loại trà này được làm từ những lá tạp nham. Tuy vậy, đây là loại trà mà thế giới ưa chuộng trong việc ăn uống điểm tâm. Khi uống, người Tây phương thường pha Hắc trà chung với sữa hoặc đường.
Phổ Nhĩ trà (普 洱 茶): là loại Trà cổ xưa và hiếm nhất. Loại trà này chỉ thích hợp cho những người sành uống Trà mà thôi. Cách thức chế biến loại Trà này rất bí mật. Trà được ủ, có khi hai lần và thường được ép thành dạng bánh, hoặc viên gạch. Nước của Phổ nhĩ trà thường có ánh đỏ đậm hoặc nâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét